Doanh nhân Thuỷ Tiên đề xuất thực hiện mô hình cửa hàng miễn thuế tại trung tâm thành phố

PLTT - Bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình (IPPG) đề xuất mô hình cửa hàng miễn thuế tại trung tâm thành phố. Đặc thù của mô hình này là bán nguyên giá các hàng hóa có số lượng giới hạn thuộc quản lý của thương hiệu danh tiếng trên thế giới.


Sáng 15/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hội nghị có sự tham gia của nhiều đại diện doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Tham gia hội nghị, doanh nhân Thuỷ Tiên gửi lời chúc mừng ngành du lịch Việt Nam trong 10 tháng đầu năm lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã đạt 10 triệu khách, mức cao nhất trong 4 năm qua, như vậy, ngành du lịch đang có sự hồi phục. Theo bà, kết quả này là nhờ vào sự chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ và các ban ngành. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, và nếu so với các nước trong khu vực thì số lượng khách du lịch nước ta còn khiêm tốn. Có thể kể đến như: Thái Lan đã đón khoảng 20 triệu khách quốc tế, tạo ra doanh thu khoảng 22,58 tỷ đô la trong 10 tháng đầu năm.

Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình (IPPG) đề xuất: “Thứ nhất, chúng tôi đề xuất mô hình Factory Outlet trong khu phi thuế quan. Trên thế giới, mô hình này rất thành công, khẳng định được sức hút với du khách quốc tế và nội địa”.

Theo bà Thủy Tiên, hiện nay, các nước trong khu vực đều có outlet với quy mô hiện đại, hấp dẫn du khách các nước đến mua sắm, kể cả người Việt Nam như: Jeju Premium Outlet (Hàn Quốc), Siam Premium Outlet (Thái Lan)… Nếu outlet của Việt Nam nằm trong khu phi thuế quan sẽ có tính ưu việt và là mô hình đầu tiên trong khu vực có giá bán lẻ rẻ, trực tiếp thu hút được lượng khách lớn từ các nước Đông Nam Á và các nước trong khu vực đến mua sắm thay vì họ phải bay đi châu Âu, châu Mỹ.

“Trong bối cảnh các nước trong khu vực chạy đua quảng bá, ưu đãi để kích cầu du lịch, chúng tôi đề xuất Chính phủ xem xét ban hành các chính sách đột phá để chúng ta khác biệt và bứt tốc như chính sách mua hàng cho khách du lịch quốc tế và nội địa trong khu phi thuế quan. Việc này sẽ góp phần giảm thiểu việc “chảy máu ngoại tệ” khi du khách Việt Nam giảm nhu cầu sang các nước khác mua sắm. Điển hình là khi du khách nội địa Trung Quốc được mua 15.000 USD miễn thuế/người/năm, trong năm 2022, Hải Nam tăng trưởng 80% về du lịch, đầu tư tăng gấp đôi, GDP tăng 4,2 lần", đại diện IPPG cho biết.

Tổng Giám đốc IPPG cũng khẳng định: “Bằng uy tín trên 30 năm hợp tác và kinh doanh với hơn 138 thương hiệu cao cấp của thế giới, chúng tôi tự tin có thể mở được ngay một loạt outlet phục vụ mua sắm du lịch nếu có các cơ chế chính sách mua hàng hợp lý. Ví dụ như ở Phú Quốc, mặc dù quy hoạch khu phi thuế quan đã có hơn 10 năm, IPPG được chọn làm nhà đầu tư nhưng do chưa ban hành cơ chế chính sách vận hành nên không thể đầu tư được”.

Đề xuất thứ hai là mô hình cửa hàng miễn thuế tại trung tâm thành phố. Đặc thù của cửa hàng miễn thuế là hàng bán nguyên giá thuộc quản lý của thương hiệu danh tiếng trên thế giới. Họ có quyền chọn lọc, phân phối có giới hạn số lượng mặt hàng tại từng quốc gia. Các cửa hàng miễn thuế sẽ giúp phát triển thương mại giá trị cao cho Việt Nam, sẽ tác động, cộng hưởng làm tăng các dịch vụ khác như khách sạn, ăn uống, thương mại, vận chuyển. Đồng thời, đây cũng là nơi quảng bá sản phẩm địa phương đến thị trường quốc tế, tăng thu du lịch. Ở Hàn Quốc, ngành này đem lại doanh số 16 tỷ USD/năm cho thành phố Seoul.

Các công ty du lịch Việt Nam được hưởng 10% hoa hồng trên doanh số từ việc bán hàng miễn thuế sẽ giúp giải quyết bài toán giảm giá tour/vé máy bay, giá khách sạn cho các công ty du lịch, lữ hành để có thể cạnh tranh giá tour trong khu vực đề xuất.

Thứ ba, cần nghiên cứu quy hoạch chuyên sâu về phát triển thương mại bán lẻ theo hướng hiện đại, bài bản tại khu hải cảng, đường thuỷ, biên giới và các cảng hàng không đề xuất.

Thứ tư, là thành lập hội đồng liên kết du lịch mua sắm bao gồm các đại diện từ các Bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan đến mua sắm.

“Hội đồng sẽ đề xuất các chính sách chung về phát triển mua sắm du lịch, phân tích nhu cầu thị trường, kết nối phương tiện quảng cáo hiện đại để thu hút lượng khách du lịch nhiều hơn nữa”, bà Thủy Tiên đề xuất.

VH

Đăng nhận xét

0 Nhận xét