Nhà bà Nữ: Bộ phim chữa lành và hàn gắn mâu thuẫn thế hệ

PLTT - Ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão, “Nhà bà Nữ” là tác phẩm điện ảnh mang đậm dấu ấn Trấn Thành. Vẫn lấy đề tài gia đình, vẫn quy tụ dàn diễn viên là những gương mặt “thân như người nhà” với Trấn Thành như NSND Ngọc Giàu, Lê Giang, Khả Như, Lê Dương Bảo Lâm, Uyển Ân… nhưng bộ phim Nhà bà Nữ vẫn khiến khán giả đồng cảm và lập nhiều thành tích doanh thu.

“Nhà bà Nữ” kể câu chuyện về gia đình bà Ngọc Nữ (Lê Giang) - chủ quán bánh canh cua nức tiếng Sài Gòn. Bị chồng phụ bạc trong quá khứ, bà Nữ buộc phải trở thành trụ cột kinh tế gia đình, một thân một mình nuôi hai con gái và mẹ già. Về sau, con gái lớn Ngọc Như (Khả Như) lại lấy trúng một anh chồng khờ - Phú Nhuận (Trấn Thành), bà Nữ lại thêm thất vọng về đàn ông.

Mọi tin yêu, kỳ vọng của bà đều dành cho Ngọc Nhi (Uyển Ân). Vì muốn con được sống trong êm ấm, thành công nên bà Ngọc Nữ lại vô tình trở nên cuồng kiểm soát, can thiệp vào mọi ngóc ngách đời tư của con gái. Tuy nhiên, khi Ngọc Nhi bước vào tuổi trưởng thành, với những thay đổi trong tâm sinh lý và mối quan hệ xã hội dần được mở rộng, ngôi nhà kỷ cương của bà Nữ bắt đầu có những xáo động. Dần dà, mâu thuẫn giữa các thành viên bắt đầu hiển lộ.



Thời điểm dự án “Nhà bà Nữ” được công bố, nhiều người cho rằng Trấn Thành đang “chơi an toàn” khi tiếp tục xây dựng kịch bản phim xoay quanh một gia đình bình dân như những gì anh đã làm với “Bố Già”. Tuy nhiên, sau buổi công chiếu đầu tiên dành cho báo giới và các nghệ sĩ, “Nhà bà Nữ” lại gây bất ngờ khi có những góc độ khai thác rất mới mẻ về mối quan hệ tình thân, khai mở những mâu thuẫn liên thế hệ trong đời sống gia đình Việt Nam. Đó là sang chấn quá khứ ảnh hưởng đến cách hành xử của những thành viên trong gia đình, cách biệt thế hệ, lối vận hành gia đình “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nặng tính Nho giáo hay cả áp lực “vượt sướng” của thế hệ gen Z…

Bên cạnh những yêu thương, ân cần, trong gia đình bà Nữ vẫn tồn đọng những quy luật áp đặt vô lý, lối cư xử kém tế nhị. Hơn hết, mỗi khi có biến cố ập đến, ai cũng nghĩ mình là nạn nhân. Những lát cắt gia đình được Trấn Thành lựa chọn đưa lên Nhà bà Nữ đều rất đời, như lấy chất liệu từ chính câu chuyện thật của anh. Vì vậy, khi xem phim, mỗi khán giả dù ở bất kì độ tuổi nào có lẽ đều cảm thấy một phần bản thân hay chính gia đình họ thấp thoáng trong những nhân vật, tình huống, câu thoại.

Ngay từ khi trailer được tung ra, nhân vật Ngọc Nhi trong “Nhà bà Nữ” đã gây sốt với câu thoại cứa vào tim gan: “Con thà thất bại trong ước mơ của con, còn hơn thành công trong ước mơ của mẹ”. Câu nói này đã chạm đến tâm tư thầm kín của rất nhiều bạn trẻ ngoài kia, đang cố gắng đấu tranh từng ngày để được cha mẹ nhìn thấy, được tự do theo đuổi ước mơ của riêng mình.


Bên cạnh đó, nhân vật Phú Nhuận của Trấn Thành cũng có một câu thoại khiến nhiều người nức nở: “Khi người ta yêu là người ta muốn ở lại. Đâu ai yêu để ra đi. Nên nếu ai muốn rời đi thì chắc chắn có lý do”. Xuyên suốt bộ phim, người xem sẽ bắt gặp rất nhiều câu nói về tình cảm gia đình, tình yêu và hoài bão tuổi trẻ khiến ta phải suy ngẫm.

Điều này không đồng nghĩa với việc Nhà bà Nữ tràn ngập những câu thoại mang tính văn vở, trịnh trọng. Ngược lại, bộ phim đã cân đối rất tốt lời thoại mang tính dân dã, đời thường với những dòng thoại “đinh” nhấn vào cảm xúc, tâm tư của nhân vật. Đội ngũ biên kịch Nhà Bà Nữ thực sự đã rất dụng tâm trong việc cài cắm những lời thoại đi vào lòng người. Cái hay nằm ở chỗ chúng luôn được bố trí “điểm rơi” phù hợp với ngữ cảnh và tính cách của nhân vật. Để mỗi khi nhân vật thốt lên, lời thoại sẽ tạo nên một dư âm dai dẳng và khiến người xem phải suy ngẫm, bồi hồi khôn nguôi. Đây là điểm sáng mà hiếm có phim Việt nào làm được.

Dàn diễn viên tham gia Nhà bà Nữ thực tế là những cái tên giàu thực lực, quen thuộc với khán giả Việt: NSND Ngọc Giàu, Lê Giang, Khả Như, Trấn Thành, Song Luân, Lê Dương Bảo Lâm, NSND Việt Anh… Họ thường xuyên góp mặt trong các sân khấu, tiểu phẩm hài, web drama, phim điện ảnh. Nhân tố gây tò mò nhất trong Nhà bà Nữ chỉ có Uyển Ân - em gái Trấn Thành khi cô có vai nữ chính đầu tiên trong sự nghiệp. Dù vậy, những gương mặt thân quen này vẫn tạo được hiệu ứng bùng nổ cho Nhà Bà Nữ khi họ quá hợp vai.


Sẽ không ngoa khi nói Ngọc Nữ là một trong những vai diễn ấn tượng nhất của Lê Giang trong thời gian gần đây. Vào vai một người phụ nữ trung niên khó tính và cay nghiệt, Lê Giang khiến người xem vừa nể vừa sợ. Chị bùng phát mãnh liệt khi cần thiết và cũng dễ dàng lấy nước mắt khán giả qua những phân đoạn tình cảm, sâu lắng. Lê Giang đã cho thấy một bà Nữ với nội tâm sâu sắc, phức tạp, bề ngoài bỗ bã nhưng bên trong lại nhiều nỗi niềm đáng thương. Nữ nghệ sĩ cũng đã biết tiết chế hơn rất nhiều trong biểu cảm, nhả thoại khéo và tinh hơn so với những vai diễn chị từng thể hiện trước đây.

Lần đầu đóng chính phim điện ảnh, Uyển Ân cũng đã mang đến một Ngọc Nhi rất dễ mến. Em gái Trấn Thành có ngoại hình hợp vai. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng nữ diễn viên kiểm soát khá tốt các tình huống đòi hỏi đào sâu tâm lý nhân vật và tương tác phức tạp với bạn diễn. Uyển Ân sẽ là một nhân tố tiềm năng còn nhiều khía cạnh cá tính đáng khai thác trong tương lai.


Trấn Thành lần này tạm lui về ở một vai diễn nhỏ hơn để tập trung cho vai trò đạo diễn. Tuy nhiên, vai diễn chàng rể Phú Nhuận của anh cũng tạo nên một nét chấm phá đầy thú vị cho bộ phim. Khác với vẻ ngoài có phần ngáo ngơ và tầm thường, đây lại là một nhân vật có chiều sâu, mỗi lần xuất hiện đều gây ấn tượng mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, NSND Ngọc Giàu trong vai bà ngoại Ngọc Ngà cũng khiến người xem phải “ngả mũ” vì độ chuyên nghiệp và điêu luyện trong diễn xuất, diễn mà như không diễn.


Đúng như Trấn Thành đã hứa, Nhà bà Nữ không phải là một bộ phim hài. Mang phim ra rạp ngay Mùng Một Tết Quý Mão 2023, nam nghệ sĩ từng tuyên bố anh muốn thay đổi định kiến về việc “phim Tết Việt Nam chỉ toàn phim hài nhảm” mang tính mua vui một vài trống canh. Nhà bà Nữ, bên cạnh những tiếng cười nhẹ nhàng vẫn có khả năng khiến khán giả phải bần thần, suy tư và thậm chí rơi nước mắt.

Bởi chứa đựng trong bộ phim là câu chuyện đắng lòng về một gia đình đổ vỡ, mất chức năng. Nơi đó tồn tại sự mất kết nối thế hệ, những hiểu lầm và cố chấp, yêu thương sai cách. Đây cũng là câu chuyện về cái giá của sự trưởng thành. Các nhân vật phải học cách đi qua biến cố, nhìn trực diện vào nỗi đau và trả giá cho sự lựa chọn của mình. Tuy nhiên, tất cả đều để họ nhìn lại bản thân, trở nên mạnh mẽ hơn và hiểu rõ hơn về những người mà họ hết lòng thương yêu. Đi qua đau khổ, không phải để tuyệt vọng mà là để băng đến một chương khác tươi sáng hơn. Phim cũng có cách tháo gỡ những nút thắt, xoa dịu những tổn thương rất vừa vặn.

Sau cùng, bộ phim vẫn có những thông điệp tích cực trong cuộc sống. Vì vậy, Nhà bà Nữ có thể coi là một bộ phim chữa lành. Nó khiến người xem phải rơi nước mắt, nhưng lại là giọt nước mắt của sự cảm thông và rung động. Họ khóc, nhưng lại là khóc trong hạnh phúc. Không “đao to búa lớn”, sử dụng chất liệu thuần Việt và ý nhị trong việc khơi gợi nỗi buồn lẫn niềm vui, Nhà bà Nữ thật sự là một tác phẩm đáng để cùng gia đình thưởng thức trong mùa Tết.

Việt  Hùng  

Đăng nhận xét

0 Nhận xét