PLTT - Là Giám khảo của Dự án phim ngắn CJ, đạo diễn “Thưa mẹ con đi” đã có những nhắn nhủ gì với các bạn trẻ về làm phim ngắn?
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh là người hiểu tường tận con đường học hỏi và trưởng thành của một nhà làm phim trẻ. Sau khi tốt nghiệp khoa Đạo diễn trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM và nhận bằng Thạc sĩ ngành Sản xuất phim tại Đại Học Austin – Texas (Mỹ), anh về nước và đến nay đã thực hiện 2 phim dài.
Năm 2019, phim dài đầu tay của anh, “Thưa mẹ con đi”, tham dự nhiều liên hoan phim lớn như LHP quốc tế Busan (Hàn Quốc), LHP Hawaii, LHP Châu Á San Diego (Mỹ). Năm 2021, phim thứ hai “Bằng chứng vô hình” mang lại cho anh danh hiệu Đạo diễn xuất sắc tại LHP Việt Nam.
Có kinh nghiệm ở vai trò đạo diễn lẫn giảng dạy, anh đã đồng hành với Dự án phim ngắn CJ và trở thành thành viên của Hội đồng Thẩm định từ năm 2018 đến nay. Ở mùa 3, anh đã và đang dẫn dắt các thí sinh của chương trình cùng đạo diễn Phan Đăng Di, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, và đạo diễn Trần Thanh Huy.
Trước thềm Lễ Bế mạc và buổi công chiếu 5 phim ngắn xuất sắc của Dự án phim ngắn CJ mùa 3 vào tháng 5 tới, anh có những nhắn nhủ gì với các nhà làm phim trẻ?
Hãy làm nhiều phim ngắn để thu nạp kinh nghiệm
Ít ai biết trước khi thực hiện hai phim dài “Thưa mẹ con đi” và “Bằng chứng vô hình”, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã có nhiều năm miệt mài làm phim ngắn. Những phim ngắn, phim tài liệu nổi bật của anh có thể kể đến như “Chung cư của tôi”, “Ngọn gió về đâu” và “Mùi hương nước mắm” (The Scent of Fish Sauce). Qua mỗi phim là một lần anh rèn giũa cách kể chuyện, học những kỹ năng cần thiết trong nghề, luyện tập xử lý những chất liệu và chủ đề khác nhau.
Anh chia sẻ, kinh nghiệm là một điều vô cùng quý giá đối với nhà làm phim, và đó là thứ mà các nhà làm phim trẻ có thể thu nạp được qua những dự án phim ngắn từ nhỏ đến lớn mà mình có cơ hội tham gia.
Tuy vậy, kinh nghiệm không phải là tất cả. Một đạo diễn dù dày dạn tới đâu thì mỗi bộ phim mới đều là một lần làm lại, và không có gì đảm bảo họ sẽ thành công. Thế nên đạo diễn có thể dựa vào kinh nghiệm thu nhặt từ các dự án trước, nhưng đối diện một câu chuyện mới, họ buộc phải có những thử nghiệm, cách xử lý riêng.
Hãy kể câu chuyện bạn thật sự hiểu
Phim ngắn, nhất là phim ngắn độc lập, là cơ hội hiếm hoi mà nhà làm phim được trao quyền để kể câu chuyện của riêng mình. Nên với đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cũng như Hội đồng Thẩm định của Dự án phim ngắn CJ, câu hỏi đầu tiên đặt ra khi nhìn vào một kịch bản luôn là: “Nhà làm phim có thật sự là một phần của câu chuyện họ đang kể?”
Vì thật không dễ để chọn ra 5 trong số hàng trăm câu chuyện gửi về cho Dự án phim ngắn CJ mỗi năm. Tuy nhiên, nếu một đạo diễn có sự chân thành với câu chuyện mà họ đang kể, thì lúc đó, đạo diễn ấy mới thật đủ nhiệt tâm để đi đến cùng với dự án, và một kịch bản mới thật sự cấp thiết để được sản xuất thành phim.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh – Giám khảo Dự án phim ngắn CJ: “Nhà làm phim có thật sự là một phần của câu chuyện họ đang kể?”
Bên cạnh câu chuyện, cách kể chuyện cũng không kém phần quan trọng. Theo đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, nhà làm phim hãy làm tất cả để thể hiện “giọng kể” của riêng mình. Hãy làm tất cả để khi nhìn vào tác phẩm, khán giả nhìn thấy ngôn ngữ điện ảnh của riêng bạn chứ không của bất kỳ ai khác.
Anh nhắn nhủ với các đạo diễn trẻ: “Trong làm phim, mỗi cú máy, khung hình đều là một lựa chọn. Đó là những lựa chọn thể hiện rõ ý đồ của người làm phim. Nên phim mà có quá nhiều sự ngẫu nhiên, tùy tiện thì người xem sẽ cảm nhận được sự dở của nó ngay.”
Hãy tìm kiếm “người bảo hộ” cho giấc mơ của bạn
Với các nhà làm phim độc lập, việc tìm kiếm kinh phí sản xuất phim chưa bao giờ là điều đơn giản. Ngay cả với những đạo diễn – biên kịch tài năng và đã có tên tuổi, không có gì đảm bảo là họ sẽ tìm được nguồn vốn đủ lớn để biến kịch bản thành tác phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Dự án phim ngắn CJ là một trong những chương trình hiếm hoi trao niềm tin cho các nhà làm phim trẻ, hỗ trợ họ hết mình trên con đường này.
Vì vậy, theo đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, Dự án phim ngắn CJ không phải là một sân chơi điện ảnh đơn thuần, mà là cơ hội được trao cho những ai đã bắt đầu xây dựng được giọng kể, có kỹ năng, nhưng vẫn đang loay hoay vì chưa có kinh phí làm tác phẩm. Song song, đây cũng là nơi lý tưởng để các nhà làm phim trẻ học hỏi và được định hướng bởi các nhà làm phim có tiếng nói và dàn dạn kinh nghiệm.
Nhớ lại khoảng thời gian làm phim ngắn “Mùi hương nước mắm”, vốn là một trong những tác phẩm hiếm hoi từng đại diện Việt Nam tham gia LHP Bucheon, LHP BFI London và LHP Palm Springs, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã hoàn toàn tự tìm hiểu và bỏ tiền túi để nộp phim đến các Liên hoan phim Quốc tế này.
Nhưng với các bạn trẻ có phim hoàn thành trong Dự án phim ngắn CJ, họ sẽ được CJ Cultural Foundation và CJ CGV Việt Nam hỗ trợ 100% chi phí nộp phim đến các liên hoan phim, thậm chí được đài thọ toàn bộ chi phí ra nước ngoài tham dự liên hoan phim nếu tác phẩm được đề cử giải thưởng.
Do đó, qua việc tài trợ ngân sách làm phim lên đến 1,5 tỉ đồng, Dự án phim ngắn CJ đã và đang tạo điều kiện để các nhà làm phim Việt hoàn toàn tập trung vào việc làm tác phẩm, để từ đó tạo ra những tác phẩm hay. Vì khi một tác phẩm đủ hay, nó có thể sẽ được các liên hoan phim lựa chọn, giúp mang đến những cơ hội mới không chỉ cho chính nhà làm phim mà còn cho nền điện ảnh nước nhà.
Việt Hùng
0 Nhận xét