Hé lộ về 'nàng thơ' ngoại quốc của Trịnh Công Sơn trong 'Em và Trịnh'

PLTT - Âm nhạc Sài Gòn nói riêng và xứ Việt nói chung đã có một mùa nhạc lạ, bắt đầu từ 21 năm trước và đều đặn xuất hiện vào tầm cuối tháng 2 đến tháng 4 hàng năm.


Với người yêu nhạc Việt, mỗi năm thường có hai mùa nghe nhạc với chủ đề không hẹn mà gặp, chi phối tai nghe công chúng một cách rất tự nhiên. Đó là mùa nhạc giáng sinh và nhạc xuân. Nhưng từ 21 năm qua, đã có thêm một mùa nhạc đặc biệt nữa. Có thể gọi tên đơn giản ngắn gọn là mùa nhạc Trịnh.

Mùa nhạc Trịnh lại về…

Hàng năm, người yêu nhạc Trịnh đều dành sự quan tâm nhất định với các chương trình kỷ niệm Trịnh Công Sơn cho chính gia đình ông thực hiện. Năm nay cũng vậy, dù thông tin về chương trình kỷ niệm được gia đình cố nhạc sĩ loan báo rất cận kề ngày giỗ ông, thay vì giới thiệu sớm như các năm trước. Và quy mô tổ chức cũng nhỏ gọn, đơn giản hơn!

Năm nay, khác với thường lệ, gia đình cố nhạc sĩ lại kết hợp cùng nhà làm phim Em và Trịnh để tổ chức đêm nhạc. ( Bộ phim Em và Trịnh kể về một phần đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã đóng máy đã một năm trước, dự kiến sẽ ra mắt trong thời gian này). Chương trình mang tên 21 năm nhớ Trịnh Công Sơn với sự góp mặt của ca sĩ Đức Tuấn, Hiền Thục, Tấn Sơn, Duyên Quỳnh, Hà Vi và phần tham gia của các diễn viên từ phim Em và Trịnh: Avin Lu, Samuel An, Nakatani Akari, Phạm Nhật Linh, Việt Hưng.


Các chương trình tưởng nhớ Trịnh Công Sơn vẫn diễn ra với quy mô nhỏ gọn ấm cúng của phòng trà, quán cà phê nhạc… ở khắp Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, Hội An…

Chương trình diễn ra tại đường sách TPHCM, một địa điểm quen thuộc mà gia đình ông ưa thích tổ chức. Như lời bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ chia sẻ vì nơi này, “gia đình cùng Nhóm Du ca Trịnh Công Sơn đã từng tổ chức nhiều chương trình Nhạc Trịnh mang tính chất cộng đồng để nhớ anh.”

Từ Mỹ, Khánh Ly, thông qua ca sĩ Quang Thành, một người rất thân cận với bà, cho biết, năm nay, trong tình hình chung vì ảnh hưởng dịch bệnh, Khánh Ly không đi show. Và như thế, Khánh Ly tạm dừng hát nhạc Trịnh trên sân khấu đến tháng 8/2022. Thay vào đó, bà sẽ cùng Quang Thành và các bạn bè thân hữu sẽ hẹn hò quây quần bên nhau trong dịp giỗ Trịnh Công Sơn để cùng trò chuyện, ca hát tưởng nhớ ông.

Với nữ ca sĩ Ánh Tuyết, cái cách chị nhớ người nhạc sĩ thân tình của mình, là chọn việc xuất hiện trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn để tái ngộ khán giả. (Từ nhiều năm nay, Ánh Tuyết hầu như ngưng đi hát và chị chỉ dành thời gian chủ yếu cho chăm sóc gia đình). Ánh Tuyết sẽ là ca sĩ chính trong 2 đêm nhạc Trịnh tối 31/3 và 1/4 có chủ đề Hãy yêu nhau đi, diễn ra tại 157 Hùng Vương, Hội An.

Năm nay, quê nhà Ánh Tuyết cũng, tỉnh Quảng Nam, còn “chơi lớn” làm riêng một đêm nhạc Trịnh Công Sơn trong Năm du lịch quốc gia Quảng Nam 2022. Đây là dịp khi thành phố Hội An vừa có một “sản phẩm du lịch” mới, một không gian để tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Cồn Bắp bên dòng sông Thu Bồn. Một đêm nhạc Trịnh dự kiến sẽ tổ chức ở đây dịp 1/5/2022.


Với người hâm mộ nhạc Trịnh, họ còn có cách thể hiện khá đặc biệt. Đó là cùng đến hát và nghe nhạc Trịnh ngay trong ngày 1/4, bên mộ ông, trong chương trình Thao thức cùng trịnh. Từ 10 năm nay, tại ngôi mộ Trịnh Công Sơn ở nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức, vào đúng ngày giỗ ông, từ khắp mọi miền, người yêu nhạc cùng hẹn về, cùng đàn hát cho nhau nghe. Một cách rất tự nhiên mà không cần đến bàn tay đạo diễn chuyên nghiệp nào.

Năm nay đêm Thao thức cùng Trịnh lần thứ 10 sẽ tổ chức thành 2 đêm tại Sài Gòn. Đúng ngày giỗ, 1/4/2022 bên mộ Trịnh tại Nghĩa trang Gò Dưa Thủ Đức, chương trình sẽ diễn ra từ lúc 19h30 đến 5h sáng 2/4/2022 cho tất cả những ai yêu nhạc Trịnh. Người hâm mộ sẽ thắp nến và cắm sen, ngồi hát, trò chuyện với nhau đến tận quá nửa đêm bên mộ ông như những năm trước.

Sau đó, sẽ có một đêm 3/4/2022 là đêm Trịnh dành cho các em khuyết tật hát nhạc Trịnh lúc 20h tại Phòng trà Lalaland số 8/19 đường Lê Thánh Tôn, Q.1, TPHCM.

Một mùa nhạc không tàn

Người ta vẫn không ngừng nghe, hát những ca khúc của Trịnh Công Sơn suốt bao nhiêu năm qua, từ trong nước đến hải ngoại. Thậm chí có hẳn một phòng trà mở ra chỉ để hát nhạc Trịnh hàng tuần như phòng trà Trịnh Ca ở Hà Nội.

Kể từ ngày ông ra đi, đã thành thông lệ bất thành văn, quãng thời gian từ sau sinh nhật Trịnh Công Sơn 28/2 đến ngày giỗ 1/4 và kéo dài trên dưới 1 tháng sau đó, rất tự nhiên, được mặc định dần dà như một mùa nhạc Trịnh.


Mùa mà trên các sân khấu ca nhạc lớn nhỏ trên cả nước và hải ngoại đều có các chương trình nhạc Trịnh, nhạc mục trình diễn của ca sĩ cũng ưu tiên chọn những ca khúc Trịnh. Các biên tập viên âm nhạc luôn phải cân đo đong đếm để tránh ca sĩ hát trùng bài. Mùa mà lượt nghe trên các nền tảng nhạc số, youtube… có lượng tăng
đáng kể nhất trong năm.

Mùa mà thời băng đĩa nhạc còn thịnh hành, các tiệm CD lớn của Sài Gòn đều trữ hàng là album nhạc Trịnh đủ loại, đặc biệt là các chương trình do Khánh Ly, Lệ Thu, Lê Uyên… thu âm đều được ưa chuộng.

Hẳn nhiên là không phải đĩa gốc. Vì thời điểm ấy, băng đĩa gốc hải ngoại rất hiếm trong nước, và mãi gần đây, một số chương trình ca nhạc hải ngoại, mới chính thức phát hành trong nước. Chẳng hạn như các chương trình của Khánh Ly- Trịnh Công Sơn mà Phương Nam film đã mua bản quyền phát hành tại Việt Nam từ hơn 5 năm trước.

Mùa này cũng là mùa mà các cửa hàng băng đĩa nhạc, nhất là giới băng đĩa lậu khu Huỳnh Thúc Kháng, Sài Gòn từng ăn nên làm ra với các chương trình nhạc Trịnh. Kể cả các chương trình được xào nấu lại từ các chương trình gốc. Thời điểm ấy có chủ tiệm băng đĩa lớn đã khoe trong “mùa Trịnh” bán được hàng chục triệu đồng tiền băng đĩa.

Sau này, khi tình hình tác quyền nhạc sĩ được chú trọng hơn, Trịnh Công Sơn luôn là tên dẫn đầu trong số top những nhạc sĩ được trả tiền tác quyền nhiều nhất Việt Nam.

Điều thú vị là hầu hết các ca sĩ Việt, dù của bất kỳ dòng nhạc nào, cũng ít ra từng hơn một lần trình diễn nhạc Trịnh, dù có thể không phải sở trường hay phong cách âm nhạc của họ.


Ánh Nguyệt, giọng hát nhạc tình xưa được Khánh Ly đánh giá cao, xem như là một trong những tiếng hát của thế hệ tiếp nối của nhạc Trịnh. Cô là một trong số ca sĩ thực hiện nhiều đêm nhạc Trịnh ở phòng trà nhất. Cứ sau mỗi chương trình nhạc Trịnh, Ánh Nguyệt nhìn thấy tình yêu không đổi ở khán giả, dù gu nhạc của công chúng có đổi thay thế nào theo từng thời kỳ. Ánh Nguyệt tin rằng “Dòng nhạc bền bỉ đi cùng năm tháng và vẫn luôn có nhiều thế hệ ca sĩ tiếp nối miệt mài hát thì hình như chỉ có nhạc Trịnh”.

Đã có quá nhiều phân tích về sự yêu thích nhạc Trịnh, có lẽ cũng không cần thiết phải nói nhiều hơn. Có lẽ, xin mượn lời ca sĩ Quang Dũng để kết thúc bài viết mùa nhạc này: “Âm nhạc của Trịnh Công Sơn hiện diện không chỉ trên sàn diễn, các album, bản ghi âm mà lan tỏa qua từng góc phố, từng ngôi nhà. Nhạc Trịnh có đời sống êm đềm mà mãnh liệt, như một dòng chảy lan tỏa từ quá khứ đến hiện tại hôm nay và cả mai sau!”.

Việt Hùng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét