PLTT - Làn sóng chuyển dịch đầu tư lẽ phải là cơ hội để các địa phương như Hà Nội đạt kết quả cao hơn trong thu hút vốn FDI. Tuy nhiên các báo cáo mới đây lại cho thấy điều ngược lại.
Theo Cục thống kê Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2021 Hà Nội thu hút được 519,2 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).
Về chi tiết, trong đó có 139 dự án đăng ký mới với số vốn đầu tư 76,8 triệu USD, và 63 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư, với 442,4 triệu USD.
Tính riêng trong tháng 5/2021, Hà Nội có 16 dự án FDI được cấp phép mới, với tổng vốn đăng ký đạt 5,3 triệu USD của 14 dự án 100% vốn FDI và 2 dự án liên doanh, liên kết. Số dự án còn lại được điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với số vốn đầu tư đăng ký đạt 184 triệu USD.
So sánh với những tháng cùng kỳ năm 2020 đạt 1.056 tỷ USD, thì số vốn thu hút FDI của Hà Nội đã giảm hơn một nửa trong 5 tháng đầu năm 2021. Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư FDI của Hà Nội cũng thua xa các địa phương khác. Chẳng hạn như Thành phố Hồ Chí Minh thu hút hơn 1,34 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2021, tương tự là Long An với 3,35 tỷ USD, Bình Dương với 1,25 tỷ USD.
Chất lượng dự án mới có vốn đầu tư FDI của Hà Nội cũng chứng kiến sự thụt lùi so với các tỉnh thành khác. Với 139 dự án mới cùng số tiền đầu tư khiêm tốn 76,8 triệu USD, trung bình mỗi dự án FDI đầu tư vào Hà Nội trong 5 tháng đầu năm có quy mô vốn cỡ 553 nghìn USD, tức là chỉ đạt quy mô "siêu nhỏ". Trong khi đó, Tp.HCM có có 187 dự án cấp với vốn đăng ký đạt 378,8 triệu USD - gấp gần 5 lần về giá trị thu hút vốn FDI so với Thủ đô.
Con số trên thậm chí còn thấp xa so với mốc “li ti” - cụm từ từng được Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn ví von khi nói về các dự án có quy mô 1-2 triệu USD trong một lần trả lời phỏng vấn với Tạp chí Kinh tế Việt Nam.
Những kết quả về thu hút vốn FDI nêu trên là không hề cân xứng với tầm vóc đầu tàu kinh tế miền Bắc của Hà Nội. Cho thấy môi trường thu hút đầu tư của thành phố đang tồn tại không ít vấn đề liên quan tới cơ sở hạ tầng, hệ thống hành chính pháp luật, thuế quan… khiến các nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà trong việc chuyển dòng tiền đầu tư vào trong các dự án tại thành phố. Hoặc cũng có khả năng các diện tích đất phát triển công nghiệp tại Hà Nội đã không còn, dẫn tới việc nhà đầu tư có nhu cầu phải tìm kiếm cơ hội ở địa phương khác.
Trong một cuộc họp tại Sở kế hoạch - Đầu tư vào giữa tháng 4, chính quyền Hà Nội từng đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 phải thu hút từ 30-40 tỷ USD (tương đương với 6-8 tỷ USD/năm) vốn FDI.
Minh Tú
0 Nhận xét