PLTT - Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, trong tháng 4 năm 2021, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 1,89 triệu tấn, trị giá 1,01 tỷ USD giảm 10,8% về lượng nhưng tăng 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, hoạt động xuất khẩu lúa gạo tiếp tục được cải thiện về chất. Theo số liệu từ Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) giá gạo xuất khẩu trung bình trong 4 tháng đầu năm đạt 534 USD/ tấn, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu so giá gạo xuất khẩu trung bình của cả năm ngoái là 499 USD/ tấn, thì mức giá xuất khẩu bình quân trong 4 tháng đầu năm đã tăng thêm 35 USD/ tấn. Mức giá xuất khẩu gạo tăng được đánh giá là sẽ đem lại lợi ích to lớn cho người nông dân trồng lúa.
Nhờ giá gạo tăng, trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,89 triệu tấn, trị giá 1,01 tỷ USD, giảm 10,8% về lượng nhưng tăng 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2020, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, với 6,25 triệu tấn, bỏ xa Thái Lan với 5,27 triệu tấn. Trong năm 2021, Việt Nam vẫn có cơ hội giữ vị trí này, bởi Bộ Thương mại Thái Lan chỉ đặt ra mục tiêu xuất khẩu gạo của nước này trong năm nay đạt khoảng 6 triệu tấn, trong khi Việt Nam vẫn có thể giữ được mức xuất khẩu ít nhất là tương đương với năm 2020.
Năm ngoái, ngành lúa gạo Việt Nam cũng đã đạt được 2 mục tiêu lớn do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ra khi an ninh lương thực được bảo đảm tuyệt đối trong năm 2020, vừa tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng, giúp người dân tiêu thụ thóc, gạo với số lượng và giá cả tốt nhất.
Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Cùng với đó, người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ..
Minh Ngọc
0 Nhận xét