PLTT - Trở thành công ty kỳ lân là giấc mơ của nhiều công ty khởi nghiệp trẻ Việt Nam nhưng đến thời điểm này, giấc mơ trở thành kỳ lân còn quá xa vời với các startup Việt.
VNG chạm ngưỡng tỷ USD vào năm 2014
Hiếm... kỳ lân Việt
"Kỳ lân" là một thuật ngữ lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2013 bởi Aileen Lee - một nhà đầu tư mạo hiểm (CowboyVC). Khi liệt kê một danh sách các công ty khởi nghiệp tư nhân có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian ngắn, được định giá trên 1 tỷ USD, Lee đã sử dụng thuật ngữ unicorn (kỳ lân) để mô tả sự tăng trưởng ấn tượng của các công ty này.
Từ đó về sau, kỳ lân được sử dụng để nói đến các startup có giá trị trên 1 tỷ USD. Do vậy, trở thành startup kỳ lân là mục tiêu vươn tới của mọi công ty khởi nghiệp. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới chỉ có hai kỳ lân là VNG chạm ngưỡng tỷ USD vào năm 2014 và VNPay, trong khi tại Singapore có 9 startup kỳ lân và Indonesia có 4.
Việt Nam hiện có ưu thế rất lớn là nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới, dân số khá đông và phần lớn nằm trong độ tuổi lao động vàng, mức độ bao phủ Internet rộng, giá thành 3G/4G rẻ, số lượng người dùng smartphone lớn. Về mặt kinh tế, chúng ta có nhiều lĩnh vực có thể tham gia vào nền kinh tế mới từ giao thông vận tải đến truyền thông giải trí, từ thanh toán đến tiêu dùng... Bên cạnh đó, việc Chính phủ Việt Nam đã bước đầu khống chế tốt dịch bệnh Covid-19, cộng với các hiệp định thương mại vừa ký kết có thể giúp môi trường đầu tư trong nước thuận lợi trong thời gian tới.
Cùng với đó, hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng hoàn thiện với sự tham gia của các vườn ươm, quỹ "hạt giống", quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng như quỹ đầu tư của các tổng công ty lớn trong quá trình chuyển đổi số sẽ tạo nên sự cạnh tranh tích cực cho các công ty khởi nghiệp. Các công ty khởi nghiệp công nghệ cần nhanh chóng tiếp cận thị trường để đưa ra các sản phẩm, giải pháp đến khách hàng, vì trong môi trường mới, việc có nhiều khách hàng với số lượng giao dịch lớn sẽ tạo nên giá trị gia tăng rất nhiều và cho chi phí hạ xuống rất thấp, do khả năng ứng dụng AI và Big Data.
Hiện tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ Việt Nam chưa bao giờ mạnh mẽ như ngày nay, họ cũng được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ ban ngành, tuy nhiên vẫn còn rất ít kỳ lân Việt. Theo nhận định của các chuyên gia, sự khan hiếm kỳ lân tại Việt Nam trước hết xuất phát từ việc hạn chế về tầm nhìn của doanh nghiệp khởi nghiệp. Xây dựng và vận hành sản phẩm cũng là một thử thách không nhỏ, không chỉ đối với riêng startup Việt mà còn với bất kỳ doanh nghiệp trẻ nào muốn để lại dấu ấn trong lĩnh vực công nghệ. Cuối cùng là sự tăng tốc mở rộng (scale up), một giai đoạn còn khá mới mẻ và thiếu nhiều bài học kinh nghiệm từ thị trường trong nước. Một nguyên nhân khác gây trở ngại cho sự ra đời của các "kỳ lân mới" đến từ việc các startup trẻ khó tiếp cận nguồn vốn khi số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm ở các vòng mở rộng (Series A/B) đang hoạt động tại Việt Nam ít hơn con số 10.
Bên cạnh vốn để phát triển, các công ty startup cũng dựa rất nhiều vào sự hỗ trợ về quản lý, cũng như mạng lưới hợp tác từ các nhà đầu tư. Chính vì vậy, hệ thống các nhà hướng dẫn (mentor) và các nhà quản trị vốn chuyên nghiệp trong nước là cực kỳ quan trọng để giúp các công ty trong việc gọi vốn, quản lý phát triển cũng như hoàn vốn thích đáng cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các bạn trẻ khởi nghiệp thường không thấy những vấn đề này, tầm nhìn cũng ngắn hạn, không tập trung vào cốt lõi của sản phẩm và đặc biệt là không chú trọng quản trị tài chính. Bên cạnh đó, các bạn trẻ còn thiếu nguồn đầu tư tư nhân cũng như chưa nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ hệ sinh thái của các tập đoàn lớn. Rất nhiều startup vẫn phải trông chờ vào sự sẵn sàng của hệ thống pháp lý.
Để Việt Nam có kỳ lân
VNPay là kỳ lân tỷ USD thứ hai của Việt Nam
Trước làn sóng công nghệ 4.0, giới đầu tư kỳ vọng rằng kỳ lân mới của Việt Nam sẽ xuất hiện từ mảng fintech và tiêu dùng (offline to online). Chỉ tính riêng lĩnh vực công nghệ, báo cáo E-Conomy SEA 2018 từ Google và Temasek đã chỉ ra, nền kinh tế Internet đang là trọng tâm của khu vực Đông Nam Á. Mặc dù không nằm trong top 4 quốc gia có lượng người dùng Internet đông đảo nhất, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng với nền kinh tế Internet đang bùng nổ. Hiện tại, trong lĩnh vực thương mại điện tử, quy mô thị trường Việt Nam hiện đạt 2,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng mỗi năm đạt 87%.
Theo nhiều nhận định, việc nuôi dưỡng được nhiều kỳ lân sẽ giúp thay đổi nền kinh tế. Ngoài việc tạo ra và tái phân phối của cải, sự hiện diện của kỳ lân còn tạo ra nền văn hóa doanh nghiệp ít tầng lớp, minh bạch hơn. Vì vậy, để các startup Việt Nam trở thành kỳ lân, nhất là các startup công nghệ, cần xây dựng cơ sở hạ tầng cho họ, hãy rộng đường cho họ phát triển, hạn chế các thủ tục giấy tờ.
Đặc biệt, cần một hệ sinh thái đầy đủ, là sự kết hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ - các tập đoàn, công ty lớn - quỹ đầu tư mạo hiểm - các trường đại học - startup. Cùng giải pháp trên là phải tạo cơ chế thu hút và kích hoạt các nguồn đầu tư trong nước; đặt hàng các startup giải quyết các vấn đề trong phát triển kinh tế; có chiến lược giáo dục khởi nghiệp sáng tạo ở tất cả các cấp và cuối cùng là cần tạo khung pháp lý khuyến khích các dự án thí nghiệm (sandbox).
Đối với các startup, cần tìm hiểu kỹ thị trường và nhanh chóng đưa ra sản phẩm, giải pháp đến người tiêu dùng. Ngoài ra, cần tập trung và có phương án mang tính chiều sâu cho vòng đời sản phẩm/giải pháp để tăng sức cạnh tranh. Các bạn cũng nên tận dụng ưu thế địa phương để tạo nên các sản phẩm khác biệt, đồng thời trau dồi các kỹ năng quản lý đặc biệt quản trị tài chính và công ty.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, Chính phủ của họ tham gia đầu tư trực tiếp vào các startup để tạo động lực xã hội. Chính phủ cũng mạnh dạn rót vốn vào các quỹ đầu tư khởi nghiệp, mạo hiểm; bên cạnh đó là đặt hàng các startup giải quyết các bài toán kinh tế ở các cấp tỉnh, thành. Về lâu dài, họ đưa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào giảng dạy ở các cấp đào tạo. Đặc biệt, ở một số nước, họ còn tạo điều kiện để các startup tham gia hình thành chính sách kinh tế.
P.V
0 Nhận xét